Tin tức

Chỉ thị của Bộ trưởng về công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 của ngành Giao thông vận tải

 

Ngày 28/6/2010, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-BGTVT về công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010  của ngành Giao thông vận tải. Sau đây là nội dung Chỉ thị số 07/CT-BGTVT:

 

Ngày 28/6/2010, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-BGTVT về công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010  của ngành Giao thông vận tải. Sau đây là nội dung Chỉ thị số 07/CT-BGTVT:

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người, tài sản của nhân dân và nhà nước, ngày 07tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 808/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, đối với ngành Giao thông vận tải Thủ tướng yêu cầu:
– Chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai, lụt, bão, bố trí vật tư dự phòng ở những vùng trọng điểm trên các tuyến giao thông chính, quan trọng để kịp thời ứng cứu và thay thế khi cầu, đường, bến cảng… bị thiên tai làm hư hỏng; xây dựng các phương án phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể.
– Chuẩn bị phương tiện sẵn sàng phục vụ việc sơ tán dân khi thực hiện phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội; tham gia khắc phục các sự cố lớn về đê điều, hồ đập khi có lệnh.
– Chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông vận tải trên biển, trên sông khi có bão, lũ.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị triển ngay một số công việc cụ thể sau:
1. Các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện  Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, chủ động lồng ghép các nhiệm vụ phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu nước biển dâng vào các chương trình phát triển hạ tầng ngành giao thông vận tải kể từ khi lập dự án đầu tư cho tới khi tổ chức triển khai xây dựng công trình. Đặc biệt đối với các đơn vị có chức năng thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án phải hết sức chú ý đến sự tác động của thiên tai, sự bền vững của công trình ngay từ khi khảo sát và thiết kế.
2. Tổ chức trực ban PCLB&TKCN 24/24h khi có thông tin về bão lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời nắm bắt thông tin theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo về diễn biến, thiệt hại do thiên tai gây ra theo Quyết định 312/QĐ-PCLBTW ngày 20/10/2008 của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương về việc ban hành quy chế về chế độ thông tin báo cáo trong chỉ đạo, triển khai, đối phó với lũ, bão.
3.  Thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Thông báo số 26/TB-BGTVT ngày 24/5/2010 về Kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Hội nghị tổng kết công tác PCLB&TKCN năm 2009 và triển khai nhiệm vụ PCLB&TKCN năm 2010.
4. Trưởng Ban chỉ đạo PCLB&TKCN các cấp có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Thành viên Ban chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị đối phó với tình hình diễn biến khó lường của thiên tai, kịp thời nắm bắt thông tin để đề xuất phương án xử lý.
Nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc Bộ như sau:
1. Đối với các công trình đang thi công: Tổng cục Đường bộ Việt Nam các Cục Quản lý nhà nước chuyên ngành, Cục Quản lý Chất lượng Công trình giao thông, các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn thiết kế và các đơn vị thi công:
– Bố trí nhân lực, vật tư thiết bị, tập trung thi công đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, cố gắng hoàn thành các hạng mục dở dang trước mùa mưa, bão.
– Chú ý điểm dừng kỹ thuật thi công khi có dự báo bão, lũ để đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc thiết bị, không để máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải ở những vị trí dễ bị sụt trượt và lở đất.
– Các công trình cầu cống, nhà ga, bến cảng đang thi công hoặc nâng cấp, cải tạo có thời gian thi công dài phải tập trung giải quyết phần công trình dưới nước, kết hợp với biện pháp chống va trôi, neo giữ bảo vệ công trình, vật tư, thiết bị khi có lũ lụt.
– Các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhà thầu, đơn vị thi công đảm bảo an toàn trong thi công, thi công gọn gàng, làm đến đâu xong đến đấy, khi có bão lụt phải tổ chức ứng cứu đảm bảo giao thông hoặc phối hợp đơn vị Quản lý đường bộ ứng cứu đảm bảo giao thông trên các tuyến, đoạn tuyến kể cả đoạn tuyến ngoài các đoạn tuyến đang thực hiện Dự án.
2. Tổng Cục Đường bộ Việt Nam
– Tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo giao thông mùa bão, lũ năm 2010; lập kế hoạch chi tiết phương án đảm bảo giao thông, hướng dẫn phân luồng đối với các tuyến quốc lộ huyến mạch như quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ đi Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên…
– Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng phục vụ công tác ứng cứu khi có sự cố do mưa bão gây ra. Thường xuyên kiểm tra các bến phà, cầu phao, âu trú tránh bão, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất khi có sự cố do bão, lụt gây ra.
– Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đường bộ thường xuyên kiểm tra biện pháp đảm bảo giao thông trong khi thi công công trình trong mùa bão, lũ.
– Các đơn vị quản lý đường bộ phải tổ chức thực hiện thật tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên trước, trong và sau mùa lụt bão, nhất là giữ mặt đường êm thuận, khô ráo, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Sữa chữa, gia cường kho tàng, cơ sở vật chất hiện có của đơn vị, đảm bảo an toàn khi có lụt bão xảy ra.
– Khẩn trương trình Bộ phê duyệt Dự án đầu tư trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho ngành Đường bộ để bố trí vốn trong năm 2010.
3. Cục Hàng hải Việt Nam
– Kiểm tra, rà soát các khu neo đậu tránh bão, tăng cường kiểm tra trang thiết bị an toàn của các tàu thuyền trong mùa bão, lũ. Thống kê, cập nhập các phương tiện thuỷ tại vùng nước cảng biển có tham gia hoạt động, phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong khu vực; lập phương án điều động tàu thuyền neo, đậu trong khu vực cảng ra tránh bão khi có bão xảy ra, tuyệt đối không cấp phép cho tàu thuyền rời cảng đi vào vùng có bão hoặc áp thấp nhiệt đới di chuyển.
– Chỉ đạo các trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đảm bảo duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng TKCN, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh.
– Chỉ đạo Đài Thông tin duyên hải tăng cường trực canh, phát tín hiệu thông báo diễn biến, đường đi khi có bão và áp thấp nhiệt đới. Xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các Đài thông tin Duyên hải với các Cảng vụ Hàng hải, Trung tâm phối hợp TKCN để phục vụ tốt cho công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiệt hại.         
– Các Công ty Hoa tiêu bố trí hoa tiêu thường trực phục vụ dẫn tầu đi tránh bão khi có dự báo bão, áp thấp có khả năng vào. Phối hợp với các Cảng vụ Hàng hải triển khai công tác phòng chống lụt, bão đảm bảo nhanh nhất ổn định sản xuất ngay sau bão tan.
– Tăng cường các biện pháp phòng chống lụt, bão để đảm bảo an toàn trụ sở, nhà xưởng, phương tiện, luồng tàu, báo hiệu hàng hải, đặc biệt là các trạm đèn hải đăng xa bờ.
4. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
– Lập phương án PCLB, ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn, lập danh mục các công trình, vị trí xung yếu để có kế hoạch gia cố trước bão, lũ.
– Tổ chức kiểm tra các công trình xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa lụt bão và gia cố đảm bảo an toàn chạy tàu
– Các đơn vị thi công các công trình hạ tầng đường sắt tập trung nhân lực, thiết bị thi công đảm bảo tiến độ đã đề ra. Xây dựng biện pháp bảo vệ người, công trình trong mùa bão, lũ.
– Kiểm kê, rà soát, bổ sung số lượng, chủng loại, vị trí tập kết vật tư dự phòng, phương tiện, thiết bị (đầu máy, toa xe, cần cẩu cứu hộ, máy ủi, xe tải…) sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có bão, lũ sự cố thiên tai xảy ra.
– Chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương trong công tác PCLB&TKCN ứng phó sự cố thiên tai.
– Thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đọan đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước….
– Xây dựng phương án bảo quản hàng hoá, vận chuyển vật tư dự phòng, chuyển tải hành khách, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng y tế trong trường hợp phải ngừng tàu do bão, lũ. Chuẩn bị đẩy đủ về số lượng, chủng loại đầu máy, toa xe tại các khu vực trọng điểm để vận chuyển kịp thời vật tư dự phòng phục vụ ứng cứu.
– Thực hiện nghiêm túc những nội dung trong Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn trong ngành đường sắt.
5. Cục Hàng không Việt Nam
– Tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện, tổ chức các cuộc diễn tập TKCN, khẩn nguy sân bay.  
– Tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu, công tác điều hành, chỉ huy để đảm bảo tuyệt đối an toàn, đặc biệt chú ý trong tình huống thời tiết xấu, mưa, bão… và làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có sự huy động của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ GTVT.
– Chủ động lập kế hoạch tổ chức thực hiện, chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các ban, ngành liên quan tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra
6. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam
– Tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong mùa mưa bão ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia.
– Phối hợp các Sở GTVT trong toàn quốc tăng cường công tác kiểm tra an toàn (đăng ký, đăng kiểm, bằng lái, áo phao, cặp phao…) trên các bến đò dọc, đò ngang trong mùa bão, lũ.
– Đôn đốc, nhắc nhở các Đơn vị Quản lý đường thuỷ nội địa kịp thời thu hồi, cất giữ phao tiêu, biển báo khi có lũ, bão.
7. Cục Y tế Giao thông vận tải
– Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng dịch, vệ sinh môi trường sau lũ, bão.
– Xây dựng kế hoạch dự phòng thuốc men, vật tư tiêu hao để giúp đỡ và hỗ trợ cho các đơn vị trong ngành khi có thiên tai sự cố gây ra.
– Các Bệnh viện cơ sở điều trị tổ chức các đội cấp cứu lưu động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc men, dụng cụ y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực sẵn sàng trong mùa mưa bão hoặc khi có tai nạn nghiêm trọng và sự cốgây ra.
– Rà soát lại thuốc men, vật tư tiêu hao, dụng cụ y tế chủ động xử lý đối với thuốc men đã đựơc nhà nước cấp 2009 phục vụ phòng dịch sau lụt bão.
Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
(Trích từ website Bộ GTVT)

Tin mới hơn

  • Lễ khánh thành Bia tưởng niệm liệt sỹ GTVT Khu 5 – 20/11/2010 01:55
  • Cần hiện đại hóa công tác quản lý, bảo trì đường bộ – 30/09/2010 06:13
  • Quy hoạch 57 đường ngang trên đường Hồ Chí Minh – 21/09/2010 01:21
  • Ra mắt hoạt động các công ty TNHH MTV tại KQLĐB V – 10/08/2010 00:45
  • Ra mắt hoạt động các công ty TNHH một thành viên tại Khu QLĐB IV – 08/08/2010 08:22

Tin cũ hơn

  • Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chủ trì Hội nghị giao ban Bộ thường kỳ tháng 5/2010 – 04/06/2010 02:57
  • Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác PCLB và TKCN năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 – 21/05/2010 04:00
  • Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức hoạt động – 28/03/2010 21:49
  • Tổng cục Đường bộ quản lý NN về GTVT đường bộ – 01/09/2009 04:10
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn hamadeco.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | hamadeco.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status